Quantcast
Channel: Xóm cổ - XÓM ÂM THANH
Viewing all articles
Browse latest Browse all 1528

Ennio Morricone

$
0
0

(https://www.facebook.com/minh.limdim/posts/1192750927481192)

Ennio Morricone

 Âm nhạc là một phạm trù không thể tách ra khỏi điện ảnh, có khá nhiều bộ phim bị ảnh hưởng khi nhạc trong phim quá kém, đó là khi các đạo diễn không thể trừu lượng được những sức mạnh của một bản nhạc nền có thể chi phối cảm xúc khán giả nhiều đến thế nào.

 Xuyên suốt nửa sau thế kỷ 20 và thế kỷ 21, nền công nghiệp điện ảnh phát triển nổi bật nhất tại Mỹ, đi kèm với đó là những tên tuổi nhà soạn nhạc có tầm ảnh hưởng trong giới làm phim, như John Williams, Hans Zimmer, Danny Elfman, Bernard Hermann, John Barry, Alexandre Desplat,… Và đặc biệt là Ennio Morricone, nhà soạn nhạc người Ý quen thuộc của dòng phim Viễn Tây, tác giả của hơn 500 nhạc phim nhựa và truyền hình cũng như rất nhiều bản nhạc bán cổ điển. Sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều thể loại âm nhạc, đưa ông trở thành một trong những nhạc sĩ đa năng, sản xuất nhiều nhất và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử âm nhạc.

 Âm nhạc của Morricone từng được sử dụng trong hơn 60 bộ phim giành giải thưởng quốc tế, từng được đề cử giải Oscar 5 lần trong giai đoạn 1979 – 2001. Năm 2007, Morricone được trao Giải Oscar danh dự cho những đóng góp vĩ đại trên nhiều phương diện về cả nghệ thuật lẫn âm nhạc. Tuy nhiên, khá muộn màng so với những đồng nghiệp khác, thậm chí là các hậu bối, trong suốt 60 năm cuộc đời, ông chỉ mới được chạm đến tượng vàng danh giá duy nhất tại Lễ trao giải Oscar 2016 khi ông đã 87 tuổi, cho bộ phim The Hateful Eight (2015).

 Lớn lên tại Trastevere, Ý, sáng tác bắt đầu ở tuổi lên sáu, niềm đam mê ngày bé của Morricone là ghi lại các bản nhạc cổ điển sau khi nghe từ đài phát thanh. Có một người cha là nghệ sĩ kèn trumpet nổi tiếng thường chơi trong các câu lạc bộ nhạc Jazz và các đoàn làm phim, cậu bé Morricone đã theo bước chân của cha mình từ các phòng trà cho đến các trường quay từ dạo đó. Khi lên 10, Morricone đã học trumpet tại trường Accademia Nazionale di Santa Cecilia, rồi sau đó là học sáng tác. Ban đêm, Morricone cũng chơi kèn trumpet như cha mình, và cũng thường xuyên thay cha biểu diễn những lúc ông bận việc hay bị bệnh.

 Tuổi thiếu niên là khoảng thời gian mà Morricone phải đối diện với chiến tranh, chính cột mốc lịch sử này đã cho Morricone cái nhìn đặc biệt về âm nhạc, khi thành phố và đất nước chìm trong sự ảm đạm của nội chiến và bom đạn, Morricone dường như đã khám phá niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống từ niềm an ủi của âm nhạc. Âm nhạc đã giúp Morricone chế ngự nỗi sợ, để ông vẫn còn giữ niềm tin vào những điều tốt đẹp phía trước. Sau này, Morricone đã viết lại những ký ức của mình về tình yêu dành cho điện ảnh, cho vẻ đẹp của một thành phố trước chiến tranh bằng giai điệu của bản Cinema Paradiso trong bộ phim cùng tên của Giuseppe Tornatore.

 Trong những năm cuối thập niên 1950, Morricone bắt tay vào sáng tác cho nhạc phim và nhạc kịch nhiều hơn, con số đã lên đến hàng trăm. Trong suốt quãng thời gian đó, ông cũng có cộng tác thực hiện album cho các ca sĩ dòng nhạc nhẹ và bán cổ điển như Paul Anka, Andrea Bocelli, Anna Maria Quain,… Tuy nhiên, danh tiếng của ông dần được định hình trong khoảng từ năm 1960 đến 1975, khi Morricone viết nhạc cho dòng phim Viễn Tây, đặc biệt là những bộ phim của đạo diễn người Ý Sergio Leone. Những bản nhạc nền The Good, the Bad and the Ugly (1966), bản nhạc Chi Mai từ Le Professionnel (1981) được xem những soundtrack phổ biến nhất mọi thời đại, có thể nghe ở bất cứ đâu trên thế giới cho đến tận hôm nay. Morricone đã tạo ra cuộc cách mạng hóa âm nhạc được sử dụng trong dòng phim trên, bằng cách tạo ra những hợp âm từ tiếng vó ngựa, tiếng súng nổ và huýt sáo mang đậm phong cách cao bồi, tái hiện những bất ổn và căng thẳng của vùng sa mạc khô cằn. Qua đó, chân dung người anh hùng được khắc họa theo phong cách ngẫu hứng, tự do như chính tiếng rít kỳ lạ hòa cùng tiếng đàn guitar và harmonica réo rắt. Nếu như John Wayne hay Clint Eastwood là những cao bồi thành công nhất trong điện ảnh, thì Ennio Morricone chính là người góp phần không nhỏ để đưa âm thanh của vó ngựa len lỏi trong từng làng mạc, và vang xa đến với đại chúng yêu điện ảnh toàn cầu.

 Một trong những bản nhạc phổ biến nhất của Morricone chính là bản mở đầu của Once Upon a Time dài hơn 13 phút, là một thử nghiệm của Morricone nhằm kết hợp giữa tiếng ồn và âm nhạc, đặc biệt là khi ông áp dụng triết lý của nhà nhạc lý học John Cage, người tìm ra được những nguyên lý của tính không xác định trong âm nhạc, nhạc điện âm, sử dụng những nhạc cụ một cách không căn bản.

 Phong cách sáng tác của Morricone cũng là một trong những điểm khác biệt của ông so với các đồng nghiệp cùng thời. Có khoảng 35 trong số 300 bản nhạc phim mà Morricone đã sáng tác trước những năm 80, thay vì phải viết nhạc để phù hợp với cảnh, thì ông đã bắt tay vào sáng tác trước khi phim được bấm máy, Sau đó, ông sẽ gửi cho đạo diễn nghe, sau đó họ sẽ thiết lập các hành động, biểu cảm và tâm trạng của nhân vật để phù hợp với bộ phim trên nền nhạc đó. Phương thức làm việc này đã được áp dụng ở bộ ba Dollars Trilogy: A Fistful of Dollars, For A Few Dollars More và The Good, The Bad and The Ugly. Ông đã kết hợp bộ gõ, đàn hạc, guitar điện tử để tạo thành một bản nhạc mở rộng, nhầm truyền đạt một ý nghĩa riêng biệt cho nhân vật và bối cảnh của phim Viễn Tây. Bằng cách đó, tác phẩm của Ennio Morricone có vai trò kể chuyện, về một người anh hùng thầm lặng, ngông nghênh trên chiến mã nhưng sau đó khuất dần vào bóng đêm của sa mạc, một điều gì đó hoài niệm nhưng lại rực rỡ, như những âm thanh náo động của tiếng guitar và âm thanh da diết của harmonica, một phần đã làm thổn thức người xem về một quá khứ vàng son của phim Viễn Tây.

 Trong thập niên 60 và 70, Morricone cộng tác với nhiều đạo diễn Ý mà phạm vi hoạt động mở rộng ra cả Châu Âu như Gillo Pontecorvo, Bernardo Bertolucci, Pier Paolo Pasolini, Mauro Bolognini, Dario Argento và Elio Petri… với đa dạng dòng phim, từ bi đến hài, từ lịch sử, hành động cho đến phim tình cảm. Dù vậy, như một quy luật bất thành văn, mỗi nhà soạn nhạc phim luôn có một đạo diễn gắn bó, một cặp bài trùng của điện ảnh, người có thể chia sẻ những tâm huyết của Morricone trong từng sheet nhạc, người có thể cam đoan chắc rằng âm nhạc của Morricone hoàn toàn sẽ do chính ông quyết định. Thậm chí, họ có thể đảm bảo với khán giả của mình rằng âm nhạc của Morricone sẽ giúp họ cảm nhận bộ phim toàn vẹn hơn. Đó chính là hai đạo diễn nổi tiếng của Ý, một người nổi tiếng với dòng phim Viễn Tây, Sergio Leone (Dollars Trilogy: A Fistful of Dollars , For a Few Dollars More and The Good, the Bad and the Ugly, Once Upon a Time in America (1984)… và Giuseppe Tornatore, vị đạo diễn nổi tiếng với dòng phim tâm lý, tình cảm như Cinema Paradiso, Malena, The Legend of 1900, La Sconosciuta...

 Kể từ năm 1977, sự nghiệp của Morricone đã mở rộng hơn khi ông được cộng tác với những đạo diễn hàng đầu của Hollywood và tạo nên những bộ phim xuất sắc của lịch sử điện ảnh Mỹ. Danh sách này có thể kể tới John Carpenter, Brian De Palma, Barry Levinson, Mike Nichols và Oliver Stone. Ông cũng là người phụ trách nhạc phim cho nhiều bộ phim đoạt giải Oscar như Days of Heaven, The Mission, The Untouchables,...

Tờ The Hollywood Reporter có lần nhận xét: “Không có nhiều nhà soạn nhạc phim mà người ta có thể nhận ra ai là người đứng đằng sau tác phẩm đó chỉ qua vài tiếng huýt sáo, như Ennio Morricone”. Đó là một thành quả miệt mài mà Morricone đã định hình qua nhiều bản nhạc dài hơn 10 phút cho mỗi phân cảnh của phim chứ không phải chỉ là vài giây thông thường. Ông cho rằng, một đoạn nhạc dài 20 giây thì không thể hiện được bất cứ điều gì mà nhạc trong phim muốn truyền tải, nó chỉ đơn giản là một dấu hiệu để thay đổi cảnh thông thường. Nhưng nếu như người nhạc sĩ đó phát triển thành một bản nhạc, một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh thì mới có thể bộc lộ những gì mà tinh thần bộ phim đó mang đến cho người xem, dành cho những phân đoạn không nên có sự xuất hiện của thoại nhân vật, nhưng cũng không thể không có âm thanh nào.

 Morricone cũng đã chia sẻ rằng, nếu ông đã sống trong thời đại trước khi nhân loại phát minh ra điện ảnh, thì có thể ông đã là nhà soạn nhạc ở thể loại khác. Việc sáng tác nhạc phim đến với ông từ sự tình cờ khi theo chân người cha đến các phim trường lẫn niềm đam mê điện ảnh từ bé. Morricone quan niệm rằng, nhạc trong phim không nên làm phiền khán giả quá nhiều, và càng không được lấn át tiếng nói của diễn viên, không thể đi sai với ý tưởng của đạo diễn được. Với ông, âm nhạc tốt không thể cứu nổi một bộ phim tồi, và thậm chí nếu nhạc phim tệ thì chưa hẳn sẽ làm hỏng cả một bộ phim xuất sắc.

 Là một người nhà soạn nhạc phim có sức ảnh hưởng, nhưng Ennio Morricone hiếm khi xuất hiện trước giới truyền thông tại các sự kiện giải trí lớn, thậm chí, ông còn là người có những ý kiến thẳng thắn về đồng nghiệp và ngành công nghiệp điện ảnh hiện nay. Dù số lượng phim sản xuất ngày càng nhiều, nhưng cũng có quá nhiều phim trong số đó có nhạc nền mờ nhạt và na ná nhau, các đạo diễn không nắm bắt được tiềm năng tuyệt vời của một bản nhạc nền hay sẽ giúp nâng đỡ cảm xúc của người xem như thế nào. Ông cũng chỉ trích các đạo diễn đang mời các nhạc sĩ “nghiệp dư” để chịu trách nhiệm sản xuất âm nhạc trong phim, bởi họ đang tổng hợp âm thanh, chứ không phải là đang sáng tác thực sự. Rõ ràng, đây là một sai lầm trong nỗ lực nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất phim.

 Mặc dù ông khẳng định là có nhiều đạo diễn hiểu được sức mạnh của âm nhạc trong phim, nhiều người trong số họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mời các tên tuổi hàng đầu như: Hans Zimmer (The Dark Knight, Inception, The Last Sumurai, Gladiator,..), John Williams (Star Wars, Jaws, Saving Private Ryan, Schindler’s list)… Nhưng dường như càng lúc, nhiều đạo diễn đã hạ thấp tiêu chuẩn lựa chọn nhà soạn nhạc phim hơn xưa, họ cho rằng điều đó không cần thiết, hoặc để tiết kiệm kinh phí, hoặc là họ sợ những nhà phê bình và khán giả sẽ nhớ đến bộ phim có âm nhạc hay hơn là từ chính nội dung của phìm.

 Trải qua 6 thập niên với hơn 500 nhạc phim, Ennio Morricone dường như chẳng có thời khắc nào để nghỉ giải lao, người yêu điện ảnh luôn bắt gặp ông đâu đó ở một bộ phim Ý, Pháp hay Mỹ,… Sự nghiệp sáng tác của Ennio có khoảng 95% là phục vụ cho công chúng yêu điện ảnh, còn lại là 5% là những sáng tác mà Morricone phục vụ riêng cho tình yêu âm nhạc của chính ông, là “những tác phẩm mà chắc chắn chẳng có bất cứ nhà làm phim nào chịu mua.” – Morricone đã đùa như vậy khi nói về tâm huyết sáng tác của mình. Rõ ràng, mỗi nhạc sĩ luôn cần phải có vài nhạc phẩm giữ lại cho mình và không cần thiết phải công bố.

Dù là một nhà soạn nhạc phim có thể đáp ứng đa dạng nhiều thể loại phim, nhưng mỗi nhạc phẩm của Ennio Morricone đều chứng minh cho sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ, cẩn thận, trau chuốt của ông trong từng nốt nhạc, và nhất là tâm huyết và tình yêu của ông dành cho điện ảnh.

 (theo 35mm.vn)

...

Nghe tiếng huýt sáo thể hiện nhạc phẩm trong film "A Fistful of Dollars" của Ennio Morricone thật tuyệt-vời:

https://www.youtube.com/watch?v=CpZjvbSC9_M&index=27&list=RDYyvx-jyotz4

Đánh giá: 
0
Chưa ai đánh giá
Vote up!
Vote down!

Like: 0

You voted ‘up’


Viewing all articles
Browse latest Browse all 1528

Trending Articles